Nhắc đến Hà Nội thì không thể không nhắc đến 36 phố phường một thời sầm uất giữa đất kinh kỳ, mảnh đất chất chứa biết bao nỗi niềm, giá trị văn hóa- lịch sử của người Thăng Long. Để hiểu rõ hơn về lịch sử 36 phố phường, hãy tham khảo bài chia sẻ dưới đây.
Mục Lục
1. Lịch sử 36 phố phường? Tìm hiểu lịch sử hình thành phố cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà Nội là tên gọi của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô..
Khu phố cổ xưa kia nằm ở phía đông ngoại thành Thăng Long. Nay khu vực 36 phố phường thuộc địa phận của quận Hoàn Kiếm với hơn 76 tuyến phố thuộc 10 phường, bao gồm phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.
Tìm hiểu lịch sử 36 phố phường
Theo sử sách, khu phố cổ Hà Nội xuất hiện từ thời Lý – Trần. Đây là nơi tập trung các hoạt động giao thương – buôn bán sầm uất bậc nhất ở thành Thăng Long. Bên cạnh đó khu phố là nơi sinh sống chủ yếu của cư dân thuộc tầng lớp trung lưu – thượng lưu trong xã hội phong kiến xưa.
Cùng với việc phát triển buôn bán, các nghề truyền thống ở đây cũng ngày càng lớn mạnh tập trung thành các phố nghề riêng như Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Mã… Từ thời Lê, khu phố cổ xuất hiện thêm các phố người Hoa, thời kì Pháp thuộc thì xuất hiện thêm các phố người Pháp…
Thời Lê, giữa khu này có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Sông Tô Lịch nối với hào thành, các đầm hồ, thông với hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng cũng ở khu vực này. Đến cuối thế kỉ 19 thì các sông hồ đó hoàn toàn bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.
Thời Lý – Trần, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về khu vực này sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành. Đến đời Lê, dần dần đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, hình thành nên các khu phố Tàu.
Thời Pháp thuộc, sau khi lấp toàn bộ các đầm hồ, khu phố được chỉnh trang, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán. Hai chợ nhỏ được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân, Đường ray xe điện Bờ hồ – Thụy Khuê cũng chạy xuyên qua đây.
Hiện nay, đây vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Tuyến phố đi bộ cũng được mở tại đây.
Xem thêm
- Lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám? Ý nghĩa của di tích
- Lịch sử Hai Bà Trưng: Tiểu sử và cuộc khởi nghĩa chống quân Nam Hán
2. Tìm hiểu phố nghề – đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ
Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Những thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ “Hàng” đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng.
Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc… Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch…
Hàng Bông lấy theo tên đoạn phố chính Hàng Bông Đệm vốn có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm.
Phố Hàng Mã ngày xưa chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, bao gồm tiền giấy âm phủ, vàng giấy âm phủ, sau mở rộng thêm các tượng giấy hình các quan, hình nhà cửa… Ngày nay phố Hàng Mã tập trung nhộn nhịp vào các dịp lễ, tết Trung Thu, Nguyên Đán với các mặt hàng phong phú về đồ chơi. Ngoài ra, tại đây cũng là nơi bán đồ trang trí phông màn cho đám cưới với các hình cắt làm từ nguyên liệu giấy màu hay bọt xốp nhiều màu sắc.
Phố Hàng Gà chạy từ phố Hàng Điếu đến phố Hàng Cót, vốn là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây…
Trên đây là một số nét chính về lịch sử 36 phố phường hay chính là lịch sử phố cổ Hà Nội. Bài viết hi vọng đã đem đến những chia sẻ hữu ích cho bạn đọc.