Với nét đẹp cổ kính xưa cũ phảng phất trên từng mái ngói, ngõ phố… phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Bên cạnh đó, lịch sử phố cổ Hà Nội với những đặc trưng văn hóa độc đáo cũng được rất nhiều người quan tâm. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu lịch sử phố cổ Hà Nội, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Đôi nét về phố cổ Hà Nội
Nằm ở vị trí phía Đông Kinh thành Thăng Long xưa, Khu phố cổ có lối kiến trúc khá độc đáo. Những ngôi nhà mái ngói nhỏ bé, thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác. Đến đây, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi những giá trị văn hóa phi vật thể sống động với những di tích như: chùa cổ, đình làng, đền, miếu, quán… và cả những nhà thờ tộc với các lễ hội phong phú diễn ra thường niên trên các phố phường của Khu phố cổ Hà Nội.
Các phố được ngăn với nhau bởi những chiếc cổng lớn xây như bức tường mà bề rộng chiếm cả mặt đường. Trong mỗi phố là những dãy nhà san sát làm theo kiểu chồng diêm mà nay ta còn thấy ở các phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào… Nó vừa là nhà ở lại vừa là cửa hiệu.
Phố cổ Hà Nội giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô, trở thành niềm tự hào, say mê và quan tâm sâu sắc trong lòng mọi người của cả nước như ngày hôm nay. Đây là nơi chứa đựng được một hệ thống giá trị di sản lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc… to lớn.
Xem nhiều hơn:
- Lịch sử Hai Bà Trưng: Tiểu sử và cuộc khởi nghĩa chống quân Nam Hán
- Tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của Văn miếu Quốc Tử Giám
- Lịch sử là gì? Tìm hiểu khái niệm lịch sử
2. Tìm hiểu lịch sử phổ cổ Hà Nội qua các thời kỳ
Khu phố cổ đã được hình thành từ thời Lý – Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Bên ngoài khu vực là vòng thành Đại La có trổ các cửa ô. Thời này, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về đây sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành.
Đặc trưng nổi bật của phố cổ Hà Nội là các phố nghề tập trung theo từng khu vực. Những thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ “hàng” phía trước, nghĩa là chuyên bán buôn mặt hàng đó.
Đến đời Lê, đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, hình thành thêm các phố người hoa. Thời bấy giờ, giữa khu phố cổ Hà Nội có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Đến cuối thế kỷ 19 thì các đầm hồ đó bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.
Thời Pháp thuộc, khu phố cổ được mở rộng, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán, hình thành nên sự đa dạng văn hóa và sắc tộc. Hai chợ nhỏ lúc bấy giờ cũng được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân, và đường ray xe điện Bờ hồ – Thụy Khuê thời đó cũng chạy xuyên qua đây…
Trải qua nhiều biến cố thăm trầm lịch sử, phố cổ Hà Nội xưa và nay vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Cuộc sống ở phố cổ cũng có nhiều thay đổi, song vẫn giữ được cốt cách của những tiểu thương. Ngày nay, các tuyến phố đi bộ cũng được mở tại đây.
Hiện nay, có một số phố nghề ở khu phố cổ vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc… Và một số phố tuy không giữ nghề, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch…
Với giá trị du lịch lớn, phố cổ đang tận dụng cơ hội phát triển kinh tế và đón nhận lượng khách du lịch rất lớn: các quán cà-phê, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm thủ công và các khách sạn nhỏ đã lần lượt ra đời. Đi bộ để khám phá Khu Phố cổ “36 phố phường” có thể sẽ là niềm vui lớn nhất của du khách khi đến Hà Nội. Giữa khu phố Tràng Tiền náo nhiệt với những dòng người đổ về để ăn kem có một phòng trưng bày nghệ thuật rất rộng để thưởng ngoạn. Vào phố Hàng Gai, qua phố Hàng Hòm, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Buồm… đâu đâu không khí mua sắm cũng nhộn nhịp, đặc biệt là vào các tối cuối tuần.
Trên đây là chia sẻ về lịch sử phố cổ Hà Nội. Bài viết hi vọng đã đem đến những thông tin hữu ích, giúp bạn tìm hiểu lịch sử 36 phố phường Hà Nội cụ thể nhất.